Nguyên nhân Sự biến Huyền Vũ môn

Lý Thế Dân trong giai đoạn nhà Đường quật khởi và thống nhất đất nước đã tham gia nhiều trận đánh quan trọng và lập nhiều chiến công lẫy lừng trên chiến trường, đồng thời chiêu mộ được nhiều người tài về dưới trướng mình. Những người này đều cho rằng Lý Thế Dân có công lao lớn với triều Đường nên xứng đáng ở vào ngôi vị cao hơn, ra sức khuyến khích Lý Thế Dân tranh ngôi thái tử. Tuy nhiên theo lệ cũ thì thái tử không nhất thiết phải đích thân lãnh binh, lập nhiều công trạng; làm thái tử quan trọng nhất là danh chính ngôn thuận và có năng lực chính trị tốt. Lý Kiến Thành là con trưởng nên được chọn làm thái tử từ đầu, được Đường Cao Tổ chuyên tâm bồi dưỡng đạo trị quốc trong khi Lý Thế Dân còn đang nam chinh bắc chiến, có đóng góp không nhỏ trong việc xử lý chính sự, định ra luật pháp, chiêu an dân chúng, khuyến khích sản xuất, đảm bảo cung cấp đầy đủ binh lương cho chiến trường và cũng chưa có sai phạm gì lớn. Đường Cao Tổ cảm kích công lao của Lý Thế Dân, phong Lý Thế Dân làm Thiên Sách Thượng tướng, ban cho nhiều đặc quyền, nhưng trước sau chưa từng tỏ ý muốn thay thái tử. Mâu thuẫn bùng nổ từ đây: Lý Thế Dân ra sức chiêu mộ người tài, xây dựng thế lực riêng, còn Lý Kiến Thành cũng cảm thấy Lý Thế Dân có ý đe dọa đến ngôi thái tử của mình nên tìm mọi cách tranh thủ sự ủng hộ của người em thứ ba là Lý Nguyên Cát cùng với một số phi tần và đại thần của Đường Cao Tổ, ý đồ hạ thấp uy tín, tước dần quyền lực và tiến tới làm suy yếu hoàn toàn vây cánh của Lý Thế Dân, khiến Lý Thế Dân không còn đủ thực lực đe dọa ngôi vị của mình nữa.[2]

Khi cuộc tranh đấu giữa hai người đến hồi cao trào, Lý Kiến Thành đã khuyên Đường Cao Tổ cô lập Lý Thế Dân bằng cách điều đi xa hoặc là xử tội chết những văn thần võ tướng trong phủ Tần Vương. Danh tướng Trình Giảo Kim bị điều ra ngoài làm thứ sử, Phòng Huyền LinhĐỗ Như Hối bị điều ra khỏi phủ Tần Vương, còn Uất Trì Kính Đức suýt nữa bị Lý Uyên xử tội chết. Năm 626 khi Đông Đột Quyết xâm phạm lãnh thổ, Đường Cao Tổ đã nghe lời Lý Kiến Thành cử Lý Nguyên Cát lãnh binh thay Lý Thế Dân kháng địch, lại mang theo nhiều binh tướng cũ của Lý Thế Dân. Lúc đó trong phủ Tần Vương, mọi người đều tự cảm nhận được sự nguy hiểm, dồn dập khuyên Lý Thế Dân nên có sự chuẩn bị sớm để tránh bị hại.[2][3]